Thuyết phục nhà tuyển dụng khi phỏng vấn xin việc trái ngành

DLA

Học một ngành nhưng ra trường lại xin việc ngành khác là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Bởi vậy, nếu đang ở trong trường hợp này thì bạn không nên quá lo lắng.

Điều đầu tiên bạn nên lưu tâm là làm thế nào để vượt qua buổi phỏng vấn xin việc. Vì trên thực tế, nhiều bạn đã thất bại liên tiếp và gặp nhiều khó khăn khi phỏng vấn xin việc, không chỉ bởi sự cạnh tranh gay gắt từ các ứng viên xin việc đúng ngành, có chuyên môn, kinh nghiệm. Trong đó quan trọng là bạn chưa thực sự biết cách thuyết phục nhà tuyển dụng.

data

Dưới đây là 4 điều giúp ứng viên thuyết phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn khi xin việc trái ngành, bạn tham khảo nhé.

Đưa ra lý do chuyển ngành thuyết phục

Không có công ty tuyển dụng online nào muốn biến doanh nghiệp của họ thành một phòng thí nghiệm để ứng viên xin việc trái ngành “thử nghiệm” nếu không có lý do thuyết phục. Họ e ngại về quyết định, sự cố gắng, khả năng gắn bó cũng như thành công của bạn với công việc mới. Bởi khi xin việc trái ngành, tức là định hướng nghề nghiệp trước đó của bạn đã thất bại. Do đó, nhà tuyển dụng muốn biết quyết định lần này của bạn có đủ nghiêm túc, chín chắn, có cơ sở để tin tưởng không.

Vậy nên, bạn cần cho họ thấy, bản thân đã suy nghĩ, phân tích rất kỹ về điểm mạnh, điểm yếu cũng như xem xét đam mê của mình. Bạn cũng đã tham khảo lời khuyên từ chuyên gia, thầy cô, bố mẹ; xem xét rất kỹ mặt trái, mặt phải của nghề mới chứ không chỉ là sự “hào nhoáng” bên ngoài. Bạn quyết định phỏng vấn xin việc trái ngành khi đã hiểu rất kỹ về nó, không phải là ngẫu hứng hay do ai “rủ rê”. Hãy chứng minh sự nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết với quyết định lần này của bạn.

Khẳng định là ứng viên có hoạch định nghề nghiệp rõ ràng

Không có sự thành công nào tự nhiên đến nếu trước đó không chuẩn bị, không có mục tiêu và sự nỗ lực. Thành công chỉ đến khi bạn có hoạch định nghề nghiệp rõ ràng. Đặc biệt khi bạn chọn việc trái ngành thì kế hoạch, mục tiêu từ dài hạn tới ngắn hạn càng phải cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn.

Hãy thể hiện điều này với nhà tuyển dụng, rằng bạn đã có hoạch định nghiêm túc chứ không phải đến thời điểm xin việc mới bắt đầu tìm hiểu về nghề. Bạn đã đầu tư thời gian, tiền bạc, quan hệ cho công việc mới. Bạn đã tham dự những khóa học về chuyên môn, những khóa đào tạo kỹ năng mới để phục vụ cho công việc trái ngành đang ứng tuyển.

data

Cho thấy năng lực tương quan giữa ngành cũ và mới

Các ngành nghề dù khác nhau nhưng ít nhiều đều có những yêu cầu về năng lực chung. Khi bạn biết tận dụng nền tảng kiến thức chuyên môn hay kỹ năng từ ngành cũ áp dụng sang ngành mới, chứng tỏ bạn hiểu rõ về công việc cũng như lợi thế bản thân.

Do đó, hãy tập trung tìm ra điểm chung về năng lực giữa ngành cũ và ngành mới. Sau đó, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy, dù là xin việc trái ngành, nhưng bạn có một số tố chất, kỹ năng phù hợp cho công việc này.

Ví dụ, bạn học sư phạm khoa ngữ văn nhưng ứng tuyển vị trí marketing content. Hai ngành nhìn bề ngoài khác nhau nhưng thực tế đều cần tới kỹ năng tư duy logic, khả năng sáng tạo, viết lách, trình bày, tìm kiếm và giải quyết vấn đề...

Khi bạn chỉ ra được kỹ năng tương quan này, bạn sẽ thuyết phục và chứng minh được sự phù hợp với công việc mới.

Thể hiện thái độ lắng nghe, học hỏi

Xin việc trái ngành, tức bạn chấp nhận bắt đầu lại từ đầu. Dù trước đó, bằng cấp bạn có là Thạc sĩ, Đại học thì với nghề mới, tấm bằng đó chỉ còn phản ánh phần nào trình độ văn hóa chứ không phải trình độ chuyên môn.

Do đó bạn cần tâm lý tốt khi bước vào phỏng vấn. Hãy thể hiện quyết tâm bắt đầu lại của mình. Đừng vì một câu nói của nhà tuyển dụng để lòng tự ái nổi hay thể hiện tâm lý bất cần theo kiểu đi phỏng vấn kiểu cho vui.

Hãy hạ cái tôi cá nhân xuống, khiêm nhường lắng nghe chia sẻ, đánh giá từ nhà tuyển dụng. Đồng thời thể hiện quyết tâm cao cho công việc với tinh thần sẵn sàng được học hỏi, được đào tạo và thử thách. Bạn cũng cần cho thấy đam mê, niềm tin với nghề. Bởi nó giúp nhà tuyển dụng tin tưởng vào khả năng gắn bó với công việc, tin vào sự nỗ lực, cố gắng của bạn trước khó khăn, thậm chí thất bại trong tương lai.

Trên thực tế, rất nhiều người đã thành công, đạt đỉnh cao sự nghiệp với công việc không liên quan tới ngành học ban đầu. Vậy nên, bạn đừng quá lo lắng hay chỉ nhìn vào bất lợi khi phỏng vấn xin việc trái ngành mà hãy tập trung khẳng định năng lực, phẩm chất, tinh thần và đam mê cho công việc này. Chắc chắn khi thể hiện 4 điều trên, bạn sẽ nhanh chóng ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Theo Mực tím

 

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Tuyển sinh và Truyền thông

Địa chỉ: Số 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, TP Tân An, Long An

Điện Thoại: 02723.512826 (123) - 02723.513668

Hotline: 0917 241 544

Zalo: 0917 241 544

Website: www.daihoclongan.edu.vn

Email: tuyensinh@daihoclongan.edu.vn

Đặt câu hỏi tư vấn: tại đây

Fanpage: Vào trang

Xét tuyển online: tại đây

Nhập học Online: Tại đây