Ngành Xây dựng chưa bao giờ ngừng Hot

DLA

Nghề Xây dựng là nghề được xã hội tôn kính, tạo dựng nên bộ mặt đô thị. Người Kỹ sư Xây dựng đòi hỏi sự am tường không chỉ ở các môn khoa học tự nhiên, tư duy logic, mà còn cả tâm hồn giàu đẹp và vốn văn hóa sâu rộng để kiến tạo những công trình có giá trị về kỹ thuật và văn hóa.

Nghề xây dựng được xã hội tôn kính, vẽ nên bộ mặt đô thị
Nghề xây dựng được xã hội tôn kính, vẽ nên bộ mặt đô thị

Kỹ sư Xây dưng – Họ là ai?

Đó là những người có mặt sớm nhất ở một bãi đất trống, rừng cây, sông suối, ao hồ, đầm lầy,... Dưới bàn tay tài hoa và khối óc tinh tế của họ, những công trình mới đẹp, tiện nghi, hiện đại, hoành tráng dần được hình thành.

Niềm hạnh phúc của người Kỹ sư Xây dựng là khi được nhìn thấy trọn vẹn hình hài "đứa con" mà mình đã đổ công tạo dựng, là niềm vui cùng với những gia đình đang phấn khởi dọn vào ngôi nhà mới, hoặc khi giao thông trên cây cầu mới đã nối liền đôi bờ xa... Nhưng chính lúc này, người Kỹ sư Xây dựng lại lặng lẽ dời gót đến những vùng đất mới để tiếp tục sứ mệnh mà họ đang gánh vác: dựng xây đất nước.

Các lĩnh vực của nghành xây dựng :

• Kiến trúc sư

Kiến trúc sư làm nhiệm vụ quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng v.v... Đồng thời kiến trúc sư chịu trách nhiệm sáng tác, thiết kế các loại công trình: nhà ở, văn phòng, khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa. Anh ta cũng phụ trách duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình cổ, đền thờ, miếu mạo, đình chùa...

Người kiến trúc sư trong xã hội hiện đại đòi hỏi sự sáng tạo, hiểu biết nghệ thuật, có khả năng tưởng tượng, hình khối hóa, lại phải hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa, quản lý, xã hội luật pháp và nhu cầu của con người. Anh ta cũng phải am tường các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ. Công năng, giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, giá trị kỹ thuật... của công trình xây dựng phụ thuộc phần lớn vào tài năng của người kiến trúc sư

• Kỹ sư cơ học đất và địa kỹ thuật công trình

Kỹ sư cơ học đất và địa kỹ thuật công trình là kỹ sư xây dựng, kỹ sư địa chất, kỹ sư môi trường... Họ chịu trách nhiệm về sự ổn định, bền vững phần nền móng của các loại công trình. Họ còn phải biết các chỉ tiêu kỹ thuật của đất nền về khả năng chịu tải, độ lún khi có tải trọng công trình, khả năng thấm của đất. Họ phải biết chống trượt lở, chống xói mòn, chống sự nhiễm bẩn đất, nước, không khí... Họ chịu trách nhiệm khảo sát đất, nước, không khí và đưa ra các giải pháp nền móng thích hợp để đặt công trình lên trên. Với các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, các thiết bị đo, quan trắc cùng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ sư địa kỹ thuật có thể hiểu được đất và ứng xử đúng với đất mẹ. Biết tôn trọng đất, biết cảm nhận và lựa chọn lời giải kỹ thuật và công nghệ thích hợp sẽ giúp cho sự ổn định của các loại công trình và bảo đảm môi trường trong sạch. Nghề này đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo, kiến thức văn hóa, kỹ thuật, công nghệ và trí tưởng tượng... bởi nền móng các công trình đều khác nhau, điều kiện đất đá tại mỗi vùng lại càng khác nhau...

• Kỹ sư kết cấu công trình

Kết cấu công trình như bộ xương của cơ thể con người. Con người có thể đi, đứng, nằm, ngồi, bò... theo các tư thế, tốc độ khác nhau nhờ có sự bền chắc và ổn định của bộ xương cũng như các khớp. Một công trình xây dựng bao gồm hệ thống cột hoặc tường dầm và vách cứng chịu lực thẳng đứng (tải trọng bản thân, đồ đạc, tải trọng sử dụng...) và tải trọng ngang (gió, bão, động đất). Đồng thời, phải được tính toán để chịu được tải trọng do co giãn nhiệt, lún lệch, tải trọng nổ, tác động cháy...

Kết cấu công trình có thể là bằng đất, gạch, đá, gỗ, tre, luồng, bê tông, bê tông cốt thép, bê tông cốt cứng, nhựa, vật liệu composit, sợi thủy tinh, xi măng lưới thép... Người kỹ sư kết cấu công trình phải có kiến thức về cơ học, vật liệu và biết thiết kế hợp lý các cấu kiện. Họ có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu về sức bền vật liệu, các lý thuyết về sự làm việc và phá hỏng vật liệu. Ngày nay, các loại vật liệu mới, các phần mềm tính toán có thể mô hình hóa điều kiện tải trọng, điều kiện biên, tính chất vật liệu... đã hỗ trợ đắc lực cho người kỹ sư kết cấu tìm ra lời giải tin cậy.

• Kỹ sư vật liệu xây dựng

Kỹ sư vật liệu xây dựng chịu trách nhiệm nghiên cứu, sử dụng, sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho mục đích làm nhà ở, công trình công cộng, giao thông thủy lợi v.v... Họ có thể tốt nghiệp các trường xây dựng, bách khoa, giao thông, thủy lợi, kiến trúc... Kỹ sư vật liệu xây dựng có thể chuyên về hóa, silicát, đá, bê tông, vật liệu composit, phụ gia, gốm, vật liệu nano...

Họ làm việc trong viện nghiên cứu, trường Đại học, công ty, doanh nghiệp sản xuất cát, đá, bê tông, sơn, phụ gia... hoặc trong các đơn vị dịch vụ tư vấn, thương mại... Nghiên cứu tái sử dụng vật liệu, phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải... để làm vật liệu xây dựng là một xu hướng mới với mục tiêu phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, Công nghệ sinh học, Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu nhẹ v.v... đã không ngừng phát triển và đóng góp cho sự phát triển của công nghệ xây dựng. Sản xuất xi măng, sản xuất gạch không nung, sản xuất thiết bị vệ sinh. Kính, sợi thủy tinh, thép... đã hình thành nên công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam.

• Kỹ sư giao thông công chính

Ở các nước phát triển và theo trường phái phương Tây, kỹ sư xây dựng được đào tạo các kiến thức về xây dựng dân dụng và được gọi với tên chung là kỹ sư giao thông công chính. Họ được trang bị các kiến thức tổng hợp về xây dựng, giao thông, thủy lợi, vật liệu, trắc địa, cơ học đất, địa kỹ thuật, môi trường, kinh tế, dự toán, quản lý thi công, tổ chức sản xuất, quản lý điều hành... Họ có thể trở thành kỹ sư chuyên nghiệp phục vụ trong tất cả các lĩnh vực của xây dựng. Tư vấn, thiết kế, khảo sát, đo đạc, quản lý, chỉ đạo thi công, quản lý dự án... Ngay trong trường Đại học, người kỹ sư đã phải làm các bài tập lớn, thực tập ở công trường, làm việc tại công ty... để rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp.

• Kỹ sư điện, nước và thiết bị kỹ thuật

Ngôi nhà của các bạn như một cơ thể sống. Phải có hệ thống điện, nước, xử lý rác, thang máy, hệ thống cứu hỏa, hệ thống bảo đảm an ninh, chống sét, hệ thống thông tin liên lạc, vui chơi, giải trí... Người kỹ sư điện nước và thiết bị kỹ thuật chịu trách nhiệm thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp các dịch vụ khác nhau cho một công trình xây dựng. Họ lựa chọn thiết bị công nghệ thích hợp, đưa ra những lời giải kỹ thuật hợp lý để tạo nên sự tiện nghi và tiện ích cho người sử dụng.

• Kỹ sư âm thanh, chiếu sáng, vật lý kiến trúc và cây xanh cho công trình công cộng

Cuộc sống ngày càng đòi hỏi có chất lượng cao hơn. Ngôi nhà phải cách âm, cách nhiệt, sử dụng năng lượng điện thấp, chiếu sáng hợp lý, không bị ẩm, đọng nước, hài hòa với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Chuyên ngành này giao hòa của kiến trúc, xây dựng và môi trường. Làm thế nào để tận dụng tốt nhất năng lượng gió, mặt trời và thông thoáng tự nhiên? Làm thế nào để tiết kiệm điện năng? Chiều cao căn hộ, kích thước cửa sổ, cửa đi, vị trí của giếng trời, cây xanh nước chảy, thoát khí... đều là những bài toán phải xử lý cho một công trình.

• Kỹ sư lắp máy và cơ khí xây dựng

Kỹ sư lắp máy và cơ khí xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện các dự án xây dựng trong suốt quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và hoạt động. Họ có thể là kỹ sư cơ khí, kỹ sư chế tạo máy, kỹ sư công nghệ, kỹ sư xây dựng. Nhiều dự án nhà máy điện, nhà máy xi măng, nhà máy chế tạo thiết bị được thực hiện theo hình thức EPC, vừa thiết kế, mua sắm và xây dựng. Các thiết bị, công nghệ được thiết kế và xây lắp phụ thuộc vào điều kiện thực tế, trình độ công nghệ và giá thành... đòi hỏi sự kết hợp trí tuệ của các chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau để cùng tạo nên sản phẩm có chất lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư.

• Quản lý dự án xây dựng

Người quản lý dự án xây dựng vừa phải có khả năng tổ chức, quản lý, tư duy tổng thể, am hiểu về xây dựng và cả quản trị kinh doanh. Đây là người chịu trách nhiệm về dự án, chỉ đạo, kết nối giữa các bên, các bộ phận.. ...như: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, nghiệm thu.. để có được dự án xây dựng thành công.

Ngoài ra, trong ngành xây dựng còn rất nhiều nghề nghiệp khác như kỹ sư lập dự toán và tính giá công trình, kỹ sư an toàn lao động, kỹ sư đảm bảo chất lượng, kỹ sư môi trường, kỹ sư quản lý đô thị v.v...

 

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Tuyển sinh và Truyền thông

Địa chỉ: Số 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, TP Tân An, Long An

Điện Thoại: 02723.512826 (123) - 02723.513668

Hotline: 0917 241 544

Zalo: 0917 241 544

Website: www.daihoclongan.edu.vn

Email: tuyensinh@daihoclongan.edu.vn

Đặt câu hỏi tư vấn: tại đây

Fanpage: Vào trang

Xét tuyển online: tại đây

Nhập học Online: Tại đây